Người Nhật dạy con từ khi mới chào đời

Kỹ năng sống trong tiếng Nhật vừa đề cập đến phạm trù đạo đức tư cách của một con người, vừa là những kỹ năng, năng lực cần thiết mà một con người cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Ví dụ đó là thói quen sinh hoạt đúng mực, luôn xây dựng cho mình tinh thần tự giác, tự lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, vừa có tinh thần cầu thị, vừa có kỹ năng tự giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhân, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với người khác trong tập thể.

Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn đặt nền móng, nên người Nhật vô cùng coi trọng giai đoạn này. Kỹ năng đầu tiên mà người Nhật dạy con trẻ chính là:

1. Trải nghiệm cùng thiên nhiên để thích ứng với môi trường và học hỏi từ thế giới tự nhiên
 
- Có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ thắc mắc khi biết rằng ở Nhật trẻ mới 2 tháng tuổi đã được bế đi dạo để cảm nhận khí trời buổi sớm, hay trẻ tầm 3-4 tháng trở đi mà cha mẹ cứ để bé đầu trần, được mẹ địu dưới cái nóng bức, dưới cái rét mùa đông, dưới cái mưa nhẹ mà chẳng cần mũ. 
 
Chỉ đơn giản vì làm như thế để cho trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ giống như một cách giúp tăng sức đề kháng. Họ không ngại con sẽ bị ốm nếu làm như thế, họ hiểu có trải qua môi trường như thế thì con trẻ mới được tôi luyện dần dần mà thích ứng. Và kết quả là họ nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.
 
- Khi trẻ lớn dần lên chút nữa là cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, quan sát nhiên nhiên để học hỏi. Để dạy trẻ biết trân trọng sự sống họ cho trẻ tập trồng hoa, trồng cây, nuôi thú hay hường xuyên dẫn đi các vùng ngoại ô để làm quen với động vật. Những dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ họ cho trẻ đi câu cá, nghịch ở sông, bắt ve bắt bướm. 
 
Rất nhiều nơi trên khắp nước Nhật đã tái sinh lại khu cánh đồng cho đom đóm hồi sinh lại (vì trong suốt thời kỳ kinh tế phát triển quá độ đã khiến môi trường bị hủy hoạy dẫn đến loài đom đóm bị tận diệt, và đom đóm hồi sinh như một bằng chứng chứng tỏ môi trường sinh thái phát triển bền vững). Ngày nay cứ dịp tháng 5 đến tháng 7 trẻ em Nhật sẽ có dịp được thưởng thức màn đom đóm đầu mùa hạ như một trải nghiệm thật tuyệt vời cho tuổi thơ của các em.
 
- Cho tập luyện các môn thể thao ngoài trời dù nắng hay mưa hay tuyết để tôi rèn nghị lực cho bản thân, yêu thích thể thao và nâng cao sức khỏe.
 
- Gần đây rất nhiều các nhà giáo dục đã vận động trào lưu cho trẻ trải nghiệm với nông nghiệp thông qua việc tự trồng trọt và thu hoạch nông sản: trồng lúa - gặt lúa, trồng rau – thu hoạch rau mà không dùng phân hóa học. Đây là trải nhiệm tuyệt vời giúp trẻ cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi thu hoạch được thành quả do sức lao động mình bỏ ra, hiểu được sự vất vả của những người làm nông nghiệp để biết yêu quý thức ăn, coi trọng sức lao động của người khác. Đồng thời thông qua trải nghiệm ấy trẻ học hỏi được rất nhiều kỹ năng sống cho mình
 
 
2. Để trẻ tự do thể hiện ý chí của mình thay vì áp đặt
 
Dạy trẻ tự lập theo độ tuổi rất được cha mẹ Nhật chú trọng rèn cho con. Đầu tiên là thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống tốt. 1 tuổi rưỡi khi bé bắt đầu muốn tự xúc sẽ để bé tập xúc, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến 3 tuổi sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, thay đồ, biết dọn dẹp đồ mình bày ra.
 
Cũng từ tầm 3 tuổi sẽ tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng. Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Chính việc cho trẻ tự làm việc nhà, tôn trọng mong muốn của trẻ chính là cơ hội tuyệt vời rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho trẻ.  
 
 
3. Coi trọng việc giáo dục đạo đức trong gia đình, vun đắp kỹ năng giao tiếp với mọi người
 
Vì đó là năng lực quan trọng giúp trẻ hòa đồng trong mối quan hệ với mọi người ở trường cũng như ngoài xã hội. Coi trọng giá trị đạo đức đặc biệt là lòng trung thực, tinh thần chịu trách nhiệm, sự nhẫn nại (gaman). Để xây dựng những kỹ năng mềm ấy thì việc cha mẹ thể hiện nó cho trẻ học tập theo mỗi ngày mới là quan trọng. 
 
Việc quan sát và không can thiệp vào cuộc cãi nhau của con khi chơi với bạn bè, để con học hỏi kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cũng là một kỹ năng sống mà cha mẹ Nhật rất coi trọng. Cha mẹ sẽ không nhìn vào kết quả hành động của con để đánh giá, phán đoán mà sẽ nhìn vào mặt sau để đặt câu hỏi vì lí do gì con làm như thế, dù con có làm sai cũng tiếp nhận con trước cho con thấy mình là bờ vai tin cậy của con trước khi đưa ra lời khuyên bảo con.
 
Ngoài ra thói quen đọc chuyện cho trẻ ngay từ khi 0 tuổi với những câu chuyện gần gũi, các bài học giàu tính nhân văn được lồng ghép khéo léo giúp bé hình thành nhân cách: đó tình yêu gia đình, trung thực, bao dung, biết quan tâm tới mọi người, lễ phép… Đạo đức của con trẻ chính là từ những việc làm của cha mẹ và mọi người xung quanh mà hình thành. Hoặc nó là những ấn tượng khó phai về một câu chuyện cảm động nào đó mà trẻ được đọc hay chứng kiến.
 
4. Kiên nhẫn để lắng nghe và trò chuyện cùng con khi con phản kháng
 
Đây là một kỹ năng quan trọng nhất mà người Nhật dùng nó để giao tiếp cùng con. Không chặn họng khi con đang nói, không gạt phăng đi phản đối hay quát mắng khi con vừa mới nói ra ý kiến của mình. Thay vào đó hãy học cách kiềm chế bằng cách im lặng trong 6 giây đầu tiên để kìm nén cơn giận, sau đó mở rộng cách nhìn nhận để thừa nhận mong muốn và chủ kiến của con trước khi đưa ra ý kiến phản đối hoặc lời khuyên của mình cho con. 
 
Với cách giải quyết như thế đã giúp xua tan đi xung đột không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Những người Nhật học được từ gia đình mình cách ứng xử như này nên ra ngoài xã hội họ cũng đối xử với nhau nhẹ nhàng như vậy, tạo nên nét ứng xử tinh tế của riêng họ. 
 
5. Chơi cùng con
 
Tiếng Nhật có một cụm từ ikumen (chế từ ikemen nghĩa là handsome) để dành tặng cho những ông chồng đảm đang chia sẻ với vợ việc nhà, và chăm sóc con cái. Ngày nay hầu như đàn ông Nhật nào cũng giác ngộ điều cơ bản ấy, nên không hiếm cảnh người bố vừa địu, vừa dắt con đi học hay đi chơi. Và họ rất chịu khó chơi cùng con cái, nhất là những môn cần đến vận động như leo trèo, đẹp xe, chơi bóng. Chơi cùng con chính là một cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy các kỹ năng mềm cho con.
 
Nếu như nhiều cha mẹ Việt Nam coi vệc rèn luyện kỹ năng sống cho con là trách nhiệm của nhà trường, thì người Nhật coi nó là vai trò của cha mẹ rồi mới đến nhà trường.